Ngày 16/9/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 32-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó đểm mới nhất là bổ sung thêm chức năng "phòng, chống tiêu cực", nhưng thể hiện nhận thức mới của Đảng về mặt khoa học, đồng thời là nhận thức mới về quyết tâm chính trị trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay.
Tham nhũng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, tham nhũng được nhận diện là một quốc nạn, một trong bốn nguy cơ làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; công tác phòng, chống tham nhũng được xác định là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn và phức tạp. Chính vì vậy, Hội nghị Trung ương 5 khoá XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Ngày 01/2/2013, Bộ Chính trị khoá XI đã ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, với thành phần gồm những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan hết sức quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập với mong muốn đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng. Trong nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI (2011 - 2016), qua công tác phòng, chống tham nhũng, đã có nhiều đảng viên bị xử lý thi hành kỷ luật.
Từ nhiệm kỳ “thắp lửa” (nhiệm kỳ khóa XI), sang nhiệm kỳ khóa XII, với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng đã có những chuyển động mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong cả xây và chống. Chỉ tính riêng 5 năm của nhiệm kỳ khóa XII, đã có hơn 100 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, nhiều người bị truy tố, phạt tù, trong đó có cả những người từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, hay các tướng lĩnh trong lực lượng quân đội và công an kể cả đương nhiệm cũng như về hưu. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta rất cao; hơn thế nữa, quyết tâm chính trị không chỉ thể hiện trong nghị quyết mà còn đưa vào trong cuộc sống. Qua đấu tranh phòng chống tham nhũng chứng tỏ Đảng ta mạnh. Một Đảng không mạnh thì không có sức để xử lý từng ấy cán bộ cấp cao. Cũng giống như một con người, phải có đủ can đảm, bản lĩnh mới dám cầm dao để mổ xẻ “u nhọt” trong cơ thể mình.
Trong nhiệm kỳ XII của Đảng, đã để lại dấu ấn rất đậm nét trong sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Có thể nói trong lịch sử Đảng chưa bao giờ trong một nhiệm kỳ Đảng ta có nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng về công tác phòng chống tham nhũng như vậy (Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 6, Trung ương 7 khóa XII; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; …).
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013- 2020, diễn ra vào ngày 12/12/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, sau khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.
Nghị quyết Đại hội XIII xác định “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả”. Trong đó, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng củng cố hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Tinh thần Đại hội XIII đề ra lần này trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là phải kiên quyết, không có “vùng cấm”, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, kiên quyết hơn, hiệu quả hơn.
Chúng ta đã nghiêm túc xử lý hàng loạt cán bộ, trong đó có cả cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, kể cả Ủy viên Trung ương, Bí thư tỉnh ủy, tướng lĩnh… hàng loạt vụ tham nhũng lớn đã được phanh phui, xử lý. Điển hình như các vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế; vụ án xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; các vụ án vi phạm quy định quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước xảy ra tại Bình Dương, Khánh Hòa, TP.HCM...
Điều này nói lên quyết tâm chính trị của Đại hội XIII đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chuyển thành hiện thực, thể hiện bằng hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Chính điều này làm cho cán bộ, đảng viên tin tưởng vào Đảng hơn, khối đại đoàn kết trong nhân dân được củng cố tốt hơn. Thông qua đấu tranh phòng chống tham nhũng năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII rõ ràng hệ thống chính trị được củng cố một bước hết sức quan trọng. Lòng tin của người dân và đảng viên đối với Đảng củng cố vững chắc hơn nữa, thông qua đấu tranh phòng chống tham nhũng, Đảng mạnh hơn, dân tin Đảng hơn.
“Ba khóa liên tục Đại hội XI, XII, XIII đều chọn Hội nghị Trung ương 4 là Hội nghị đầu mỗi khóa để bàn về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị - điều đó hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Mỗi Hội nghị đều có sự kế thừa và phát triển mới”. (Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị Trung ương 4, ngày 4/10/2021).
Những thành tích đạt được là không thể phủ nhận, nhưng phải thấy rằng trong các nhiệm kỳ vừa qua, vấn đề phòng ngừa chúng ta còn cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Vì thế ngay sau Đại hội XIII, Đảng ta đã quyết định bổ sung thêm nhiệm vụ "phòng, chống tiêu cực" vào Ban Chỉ đạo Trung ương, trở thành “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Về mặt khoa học, có thể thấy, Quy định 32 của Trung ương trước hết là sự phát hiện, phát triển về nhận thức của Đảng ta. Mặc dù chỉ bổ sung hai chữ “tiêu cực” nhưng thể hiện nhận thức mới của Đảng về mặt khoa học, đồng thời là nhận thức mới về quyết tâm chính trị trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trước đây chống tham nhũng đã rất hiệu quả, giờ đây vẫn tiếp tục chống tham nhũng nhưng thêm nhiệm vụ chống tiêu cực. Điều đó có nghĩa trong thời gian tới đây bên cạnh việc chống tham nhũng, chúng ta đặc biệt quan tâm đến công tác phòng ngừa tham nhũng.
Bởi vì từ “tiêu cực” đến “tham nhũng” là một quá trình. Cho nên việc đưa nhiệm vụ chống tiêu cực vào Ban Chỉ đạo Trung ương tức là nhận thức mới của Đảng về công tác phòng ngừa tham nhũng. Bản thân chống tiêu cực chính là phòng ngừa tham nhũng, nếu phòng ngừa tốt, chống tiêu cực tốt thì chắc chắn tham nhũng sẽ giảm đi.
Vừa qua, Bộ Chính trị, Trung ương đã ban hành 3 quy định liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Quy định về những điều Đảng viên không được làm; Kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Quy định về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Ba quy định này một lần nữa chứng tỏ quyết tâm của Đảng ta, bên cạnh chống tham nhũng quyết liệt, mạnh mẽ thì cũng đồng thời tập trung vào phòng ngừa tham nhũng.
Thực hiện tốt Quy định về Những điều đảng viên không được làm chính là phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ gốc rễ. Nếu đảng viên ai cũng thực hiện đầy đủ thì rõ ràng sẽ không có tham nhũng. Với Quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ đó chính là hình thức răn đe cán bộ trong quá trình thực hiện công vụ. Chính điều này cũng là để ngăn ngừa sự phát triển các tiêu cực dẫn đến các vụ tham nhũng. Còn Kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung là quy định rất nhân văn. Một đất nước muốn phát triển được chắc chắn phải có những cán bộ năng động, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung. Những cán bộ khi đổi mới, sáng tạo có thể có những điều không phù hợp với quy định hiện hành, quy định cũ chưa kịp thay thế, thậm chí có những việc trong quá trình đột phá không thành công nhưng vì động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì nay đã có cơ chế để bảo vệ.
Nhìn một cách tổng thể các quy định của Đảng có thể thấy, một mặt ta quyết liệt phòng chống tham nhũng nhưng một mặt ta khuyến khích cán bộ phải năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Là bộ trưởng, là chủ tịch tỉnh, là giám đốc sở, chủ tịch huyện, người đứng đầu một cơ quan dám lăn xả, dám lao vào, kiên quyết tìm ra cái mới, tạo hiệu quả mới để đưa địa phương mình, ngành mình, cơ quan mình phát triển đi lên, vì lợi ích chung thì phải được bảo vệ. Đảng không xử lý mà còn khuyến khích và bảo vệ họ. Điều này cũng chính là Đảng đã giải tỏa về mặt tư tưởng đối với những cán bộ đảng viên còn lấn cấn về việc chống tham nhũng quyết liệt thì cán bộ sợ không dám làm, sợ trách nhiệm.
Với quyết tâm được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII cùng với những quy định của Đảng vừa đã ban hành, cũng như những gì Đảng hành động đều nói lên quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng cao hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn.
Có thể khẳng định rằng, công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nạn tham nhũng đã bị ngăn chặn, đẩy lùi, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước được nâng lên. Đảng đã kiên trì giữ lửa để công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trở thành một xu thế, không ai có thể đảo ngược, không ai có thể đứng ngoài cuộc. Với tinh thần mới, khí thế mới, chắc chắn rằng trong nhiệm kỳ XIII của Đảng, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng chỉnh đốn Đảng sẽ có kết quả ngày càng tốt hơn, Đảng ta sẽ ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn